Việc Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) liên quan đến vụ bê bối kinh doanh dầu bẩn của Công ty Dầu công nghiệp Đỉnh Tân (Đài Loan) đã gây nhiều chú ý từ dư luận gần đây. Vấn đề thắc mắc là đường đi của dầu, mỡ công ty này như thế nào mà dễ dàng qua mặt các ngành chức năng.
Sáng 3-11, sau thời gian dài từ chối tiếp xúc báo chí vì lý do riêng, bà Lữ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Đại Hạnh Phúc, đã đồng ý trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những vấn đề mà dư luận quan tâm.
Thu mua cả từ cơ sở không phép
Bà Hạnh cho biết Công ty Đại Hạnh Phúc hoạt động từ năm 2004 và chỉ kinh doanh (không sản xuất) mỡ động vật, dầu thực vật dùng cho người và cho gia súc. Trước năm 2012, Công ty Đại Hạnh Phúc chỉ kinh doanh mỡ dùng làm thức ăn gia súc. Từ tháng 1-2012, công ty mới bắt đầu kinh doanh và xuất khẩu dầu, mỡ làm nguyên liệu cho người.
Theo bà Hạnh, Công ty Đại Hạnh Phúc xuất khẩu qua Đài Loan mỡ bò, mỡ heo là nguyên liệu (thô) dùng làm thức ăn gia súc và làm nguyên liệu cho người. Mỡ bò, mỡ heo (dạng lỏng thô) được công ty thu mua từ các cơ sở nhỏ ở nhiều nơi. Trong đó, cung cấp mỡ heo, bò có cơ sở Lê Thị Kim Tiến (Quảng Ngãi) và cơ sở Lương Thị Tuyết Mai (Quảng Nam).
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết cơ sở Lê Thị Kim Tiến đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định. Tuy nhiên, cơ sở Lương Thị Tuyết Mai chẳng có giấy chứng nhận nào.
Tại cơ sở Công ty Đại Hạnh Phúc có hẳn hệ thống bồn chứa để lưu trữ dầu, mỡ trước khi xuất đi nước ngoài.
Các bồn chứa dầu, mỡ của Công ty Đại Hạnh Phúc đã ngưng hoạt động. Ảnh: TRẦN NGỌC
Né giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
Điều đáng quan tâm là Công ty Đại Hạnh Phúc đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP). Về vấn đề này, bà Hạnh lý giải từ năm 2008 đến 2010, công ty nhiều lần liên hệ Sở Y tế TP.HCM xin được cấp giấy chứng nhận ATTP, tuy nhiên người tiếp nhận hồ sơ cho rằng công ty chỉ kinh doanh (không sản xuất) nên không được cấp giấy.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP, Sở Y tế TP.HCM), cho biết dù không trực tiếp sản xuất dầu, mỡ dùng cho người nhưng Công ty Đại Hạnh Phúc thu mua dầu, mỡ của cơ sở khác rồi về đóng gói, xuất khẩu. Đóng gói là một công đoạn của quá trình sản xuất nên hoạt động của Công ty Đại Hạnh Phúc được xem là sản xuất và kinh doanh dầu, mỡ dành cho người, buộc phải có giấy chứng nhận ATTP do cơ quan thẩm quyền cấp. “Không có chứng cớ khẳng định Công ty Đại Hạnh Phúc đã từng liên hệ với Sở Y tế TP.HCM đề nghị cấp giấy chứng nhận ATTP nhưng bị từ chối” - ông Hòa quả quyết. Trường hợp doanh nghiệp mua lại nguyên liệu dùng làm thực phẩm cho người từ cơ sở không có giấy chứng nhận ATTP để bán lại cũng sai.
Từ khai báo mập mờ…
Cuối tháng 6-2014, Công ty Đại Hạnh Phúc xuất lô hàng dầu, mỡ cuối cùng cho Công ty Đỉnh Tân (Đài Loan). “Từ tháng 1-2012 đến cuối tháng 6-2014, công ty xuất khẩu sang Đài Loan gần 5.980 tấn mỡ và dầu dừa dùng cho người. Những lô hàng xuất khẩu dành cho người đều được Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP.HCM kiểm định theo đúng chỉ tiêu mà đối tác yêu cầu (phía Đài Loan - PV) và ghi rõ “fit for human use” (thích hợp dùng cho người) trên chứng từ” - bà Hạnh cho biết.
Riêng đối với các lô hàng xuất khẩu dùng làm thức ăn gia súc, bà Hạnh cho biết nếu đối tác yêu cầu kiểm định thì Công ty Đại Hạnh Phúc nhờ Vinacontrol TP.HCM kiểm định, đối tác không yêu cầu thì thôi. “Trong trường hợp đối tác không yêu cầu kiểm định lô hàng dùng làm thức ăn gia súc thì trên chứng từ vẫn ghi rõ “for feeding purpose”. Câu này có nghĩa… “sử dụng cho động vật” (?!). Có nhiều lô hàng xuất khẩu dùng làm thức ăn gia súc không phải kiểm định” - bà Hạnh nhấn mạnh.
... Đến qua mặt cơ quan chức năng
Chung quanh việc kiểm định các lô hàng của Công ty Đại Hạnh Phúc, ông Trần Đăng Thành, Giám đốc Vinacontrol TP.HCM, khẳng định từ tháng 1-2012 đến cuối tháng 6-2014, Vinacontrol TP.HCM chỉ giám định hơn 5.460 tấn mỡ các loại và dầu dừa dùng cho người của Công ty Đại Hạnh Phúc để xuất qua Đài Loan. Như vậy số dầu, mỡ được Vinacontrol kiểm định ít hơn số hàng mà bà Hạnh khai báo khoảng 520 tấn.
Nhận định về con số chênh lệch này, ông Thành nói: “Tôi nghĩ số lượng chênh lệch 520 tấn có thể được một đơn vị khác kiểm định hoặc công ty này không kiểm định mà xuất thẳng qua Đài Loan (dưới dạng dầu, mỡ dùng cho động vật thì không yêu cầu kiểm định - PV)”.
Liên quan đến dòng chữ “for feeding purpose” ghi trên lô hàng mà Công ty Đại Hạnh Phúc giải thích “dùng cho động vật”, một thành viên trong Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết dòng chữ đó có nghĩa là “dùng cho mục đích ăn uống”. “Thức ăn thức uống có hai loại: Dành riêng cho người và dành riêng cho động vật. Do chỉ ghi chung chung “dùng cho mục đích ăn uống” nên có thể hiểu dùng cho người cũng được, dùng cho động vật cũng xong. Doanh nghiệp sử dụng câu cú lập lờ, nước đôi để dễ qua mặt cơ quan chức năng” - vị này nêu quan điểm.
Với việc lập lờ thức ăn cho người thành cho động vật, các lô hàng dầu, mỡ của Công ty Đại Hạnh Phúc đã qua mặt các cơ quan chức năng gần ba năm trời trước khi bị phát hiện. Mới đây, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP.HCM đã lập đoàn thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc.