Chưa có nghiên cứu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Trần Văn Năm, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết theo truyền thống có từ xa xưa, cơm rượu thường được dùng trong vài ngày trước và sau tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) với mục đích diệt các vi sinh vật có hại trong hệ tiêu hóa. Ngoài ra cơm rượu được xem là loại thức ăn/uống tráng miệng bình thường.
Cơm rượu được chế biến từ nếp (nếp trắng, nếp cẩm, nếp than), nấu thành xôi và trộn với men rượu, sau đó ủ trong vài ngày sẽ thành cơm rượu. Với cách chế biến trên, các thành phần như tinh bột, chất béo, đạm, vitamin... có trong nếp sẽ chuyển hóa thành các chất được hệ tiêu hóa hấp thu dễ hơn, kèm một số chất enzyme (men) được sinh ra khi lên men sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Cũng theo BS Năm, căn nguyên của bệnh lý tai biến mạch máu não, bệnh tim và bệnh tăng huyết áp có nhiều cơ chế phức tạp, trong đó xơ vữa động mạch và máu dễ đông đóng vai trò chủ yếu. Do vậy để phòng các bệnh trên là phải chống xơ vữa động mạch và hạn chế đông máu..., nếu chỉ ăn cơm rượu chắc chắn hiệu quả rất hạn chế. Thêm vào đó, cho đến nay chưa có một công trình nào công bố cơm rượu chắc chắn hiệu quả với các bệnh kể trên.
“Cần lưu ý nếu lạm dụng như ăn lượng lớn và kéo dài sẽ không có lợi, đặc biệt những người có bệnh lý viêm xơ gan, viêm loét dạ dày và cơ địa không dung nạp được rượu” - BS Năm cảnh báo.