Về lý thuyết, ngân hàng sẽ đáp ứng cho những bệnh nhân có hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và cơ địa phù hợp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại những người có mối quan hệ hoặc nhiều tiền mới là đối tượng được hưởng lợi.
Ngoài ra, vấn đề lớn nhất mà Bắc Kinh phải giải quyết là thuyết phục người dân đến hiến nội tạng. Phong tục Trung Quốc cho rằng cơ thể con người rất quý giá và cần được chôn cất nguyên vẹn sau khi qua đời để tỏ lòng tôn kính. Tỷ lệ hiến tặng ở nước này cũng thuộc hàng thấp nhất thế giới, 0,6 lượt trên 1 triệu người.
Chợ đen nội tạng
Các bác sĩ Trung Quốc ước tính hơn 12.000 ca cấy ghép nội tạng sẽ được thực hiện trong năm 2015 (tăng đáng kể ngay cả khi nước này còn thu hồi nội tạng của tử tù). Tuy nhiên, số người cần thay bộ phận cơ thể mới lại lên đến khoảng 300.000 người. Khoảng cách cung – cầu chênh lệch đáng kể tạo cơ hội cho thị trường chợ đen bùng nổ.
Vén chiếc áo thun, một thanh niên 21 tuổi chỉ vào vết sẹo sau khi anh bán một quả thận để đổi lấy 7.000 USD. Số tiền này dùng để chi trả những nợ nần từ bài bạc của anh.
Người thanh niên cho biết, một tổ chức quyền lực trong thế giới ngầm đã tổ chức và sắp xếp các ca buôn bán nội tạng trên mạng.
“Ban đầu, tôi phải đến bệnh viện để làm các xét nghiệm máu. Sau đó, tôi phải đợi trong khách sạn khoảng vài tuần cho đến khi họ tìm thấy người phù hợp để ghép thận của tôi”, anh kể với BBC.
Sau khi các bước thủ tục ban đầu hoàn tất, một nhóm người đàn ông đến đưa anh ta rời khách sạn. “Họ bịt mắt tôi, lái xe lòng vòng khoảng 30 phút. Sau đó, tôi thấy mình đang ở một nông trại nhưng bên trong là phòng phẫu thuật đầy đủ thiết bị, nhiều bác sĩ và y tá”.
Theo nguồn tin, người phụ nữ cần mua thận của anh ta cũng xuất hiện, “nhưng chúng tôi không nói gì với nhau”.
“Thoạt đầu tôi có hơi sợ, nhưng bác sĩ đã gây mê và tiến hành phẫu thuật. Tôi tỉnh dậy ở căn phòng khác, và không còn quả thận. Người mua cần cuộc sống, còn tôi cần tiền”, anh nói.